Con Đường Khoa Cử Của Bần Gia Tử

Chương 9: Bánh Màn Thầu Trắng

Nồi canh rau dại trên bếp đã được hâm nóng lại nhiều lần, nhưng mẹ chồng chưa lên tiếng bảo ăn cơm, nên Chu thị cũng không dám bưng lên bàn.

Dù vậy, Chu thị cũng không hề bực bội, vì trong nhà đông con nên cha mẹ thiên vị một đứa con nào đó thì cũng là chuyện bình thường.

Chính bản thân nàng cũng thường thiên vị con trai cả Viễn Phong hơn một chút đó thôi.

Chu thị nghĩ, làm cha mẹ chỉ cần ở những chuyện lớn phân biệt đúng sai rõ ràng, không thiên vị, không nghiêng lệch về ai quá mức là được. Hơn nữa, mặc dù mẹ chồng thương yêu con út, nhưng từ khi nàng về làm dâu đến nay, cũng chưa từng thấy bà làm điều gì vô lý vì tam đệ cả.

Giống như lần này Cẩu Tử đi học, ban đầu nàng và nhị đệ muội đều lo lắng, sợ rằng mẹ chồng sẽ lén đưa tiền bạc cho tam đệ. Nhưng nhiều ngày trôi qua, tiền trong tay bà vẫn không thiếu một xu nào. Điều này khiến nàng và nhị đệ muội đều cảm thấy yên tâm hơn hẳn.

Nhắc đến chuyện học hành, Chu thị liền nghĩ ngay đến Lâm Viễn Thu. Thật không ngờ, một đứa nhỏ chỉ mới năm tuổi lại có ý chí kiên định như vậy. Thời tiết lạnh thế này, mà ngày nào thằng bé cũng dậy từ rất sớm, thật sự là rất vất vả.

Ban đầu nàng nghĩ Cẩu Tử có thể kiên trì được hai ba ngày là giỏi lắm rồi, nhưng không ngờ đã mười ngày trôi qua, thằng bé vẫn kiên trì dậy sớm đều đặn, chưa bỏ học buổi nào cả.

Chu thị cảm thấy nếu đổi lại là Viễn Hòe nhà nàng, có khi đã sớm nằm lì trong chăn không muốn nhúc nhích từ lâu rồi.

Không phải nàng coi thường con trai mình, mà thật sự là hôm nay khi đi giặt đồ ở bờ sông, nàng nghe vợ của Lâm Thạch nói rằng trong tộc đã có hai đứa nhỏ đòi nghỉ học, không chịu đến trường nữa.

Những ngày gần đây Chu thị thường nghĩ, nếu Cẩu Tử được sinh ra trong một gia đình giàu có, với sự chăm chỉ như mấy ngày này, biết đâu tương lai thằng bé có thể thi đỗ đồng sinh(*) cũng không phải là không có khả năng.

Còn về việc tại sao không nghĩ đến chuyện thi đỗ tú tài hoặc cử nhân?(*) Chu thị lắc đầu. Sao có thể được, người xưa đã nói "Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng".(*)

Với tính cách lười nhác của vợ chồng nhà em út thế kia, Cẩu Tử ngoài việc phải cố gắng hết sức, còn phải có được sự phù hộ của tổ tiên nữa thì may ra mới...

Chu thị thêm vài khúc củi vào bếp rồi nhìn ra ngoài cửa. Trời đã tối, chẳng biết khi nào tam đệ mới về. Nghe mẹ chồng nói là tam đệ đi lên trấn để kiếm tiền.

Chu thị lắc đầu, nàng đoán khả năng cao là tam đệ chỉ đi loanh quanh ở trấn trên đi dạo thôi. Rốt cuộc, người này cũng không phải chưa từng làm những chuyện như vậy. Chỉ có mẹ chồng là vẫn bị lừa hết lần này đến lần khác, luôn tin rằng con út của mình còn có hy vọng sẽ tiến bộ.

Nồi canh lại sôi lên ùng ục, Chu thị đứng dậy phủi những vụn gỗ bám trên người rồi bước vào nhà chính.

...

Tiếng chó sủa từ xa vọng lại, Lâm Viễn Thu lần thứ mười hai nghển cổ nhìn về hướng đầu thôn, mong ngóng xem cha cậu đã về hay chưa.

Hôm nay, sau khi tan học, Lâm Viễn Thu mới biết cha lên trấn sớm như vậy là để kiếm tiền mua sách cho mình. Cuối cùng, cậu cũng hiểu tại sao cha lại mang theo chiếc áo bông mới. Vì đó là áo cha chuẩn bị bán để lấy tiền mua sách cho cậu.

Lâm Viễn Thu trong lòng cảm thấy vô cùng khó chịu. Cậu nhớ lại vài ngày trước, khi chiếc áo bông mới vừa may xong, vẻ mặt của cha cậu đã vui mừng đến thế nào. Cha còn nói rằng chiếc áo bông cũ của mình đã mặc suốt 6 năm, giờ cuối cùng cũng có thể thay áo mới.

Vậy mà, chiếc áo bông mà cha quý trọng đến thế, lại bị đem đi bán để mua sách cho cậu. Tình yêu thương của người cha dành cho con sâu đậm đến mức đó, làm sao Lâm Viễn Thu không cảm động cho được.

Thỉnh thoảng, Lâm Viễn Thu sẽ tự hỏi liệu mình có quá ích kỷ hay không. Cậu biết rõ nhà mình nghèo khổ, nhưng vẫn cố chấp theo đuổi việc học, tiêu tốn rất nhiều tiền bạc trong nhà.

Nhưng biết làm sao được? Thời đại này không phải là thế kỷ 21 - nơi có hàng trăm nghề khác nhau để lựa chọn, và mỗi nghề đều có thể làm nên danh tiếng.

Trong xã hội phong kiến, người dân bình thường muốn thoát khỏi cảnh nghèo khó thì chỉ có con đường duy nhất là học hành và thi cử. Vì vậy, Lâm Viễn Thu không có lựa chọn nào khác. Dù có bị coi là ích kỷ, cậu vẫn phải tiếp tục con đường này.

Cậu quyết tâm, dù là vì tương lai bản thân tốt đẹp hơn, hay vì gia đình không phải chịu cảnh nghèo khổ nữa, thì điều quan trọng bây giờ là cậu nhất định phải nỗ lực để không phụ lòng những người thân yêu đã hy sinh cho mình.

Lúc này, tiếng chó sủa lại vang lên, Lâm Viễn Thu nhón chân nhìn ra phía xa, nghĩ rằng lần này chắc là cha đã trở về. Quả nhiên, không lâu sau, cậu nhìn thấy một người đang tiến lại gần.

Lâm Viễn Thu vội vàng vứt bỏ cành cây dùng để luyện viết chữ xuống và chạy nhanh về phía con đường chính dẫn đến đầu thôn.

Khi chỉ còn cách người đó khoảng hai mươi mét cậu dừng lại, không dám chạy lại gần thêm nữa vì sợ người đó không phải cha mình.

.

“Cha!” Lâm Viễn Thu gọi thử một tiếng. Từ xa, Lâm Tam Trụ đã sớm chú ý đến động tĩnh bên này. Khi nghe rõ giọng con trai, hắn liền bước nhanh tới, vui vẻ nói: “Ôi chao, con trai của cha ra đón cha đấy à!”

Nói rồi, hắn cúi xuống bế thốc con trai lên. Nếu không phải trên vai còn đang cõng đồ nặng, chắc chắn hắn đã tung con lên cao vài lần cho thỏa lòng yêu thương rồi.

"Cẩu Tử à, hôm nay cha đã mua được Tam Tự Kinh cho con rồi, còn mua cả bút và mực nữa. À, chưởng quầy còn tặng cho cha một ít giấy nữa đấy!"

Nói đến đây, Lâm Tam Trụ không giấu được niềm vui sướиɠ, hắn vỗ vào túi đồ sau lưng và cười nói, “Cẩu Tử, con sờ thử túi vải xem, sách và bút mực đều ở trong đấy cả rồi. Ha ha, giờ thì chúng ta không thiếu gì nữa!”

Cái túi này cũng do chưởng quầy Cao tặng cho hắn, nếu không thì nhiều đồ như vậy, hắn khó mà mang hết về nhà được.

Lâm Viễn Thu một tay ôm cổ cha, một tay thò vào túi vải. Cậu sờ thấy một vật hình trụ tròn, chắc đó là cuộn giấy. Tiếp theo, cậu nhanh chóng sờ thấy quyển Tam Tự Kinh và một cây bút lông.

“Cảm ơn cha, cha thật tốt!” Lâm Viễn Thu vui mừng khôn xiết, nghĩ rằng giờ mình đã có giấy và bút, có thể bắt đầu luyện viết chữ rồi.

Nghe con trai khen mình là người cha tốt, Lâm Tam Trụ mừng rỡ cười tít cả mắt. À đúng rồi, hắn còn chưa khoe mấy cái bánh màn thầu trắng mềm kia đâu!

“Cẩu Tử, con đoán xem cha còn mang gì về?” Lâm Tam Trụ gỡ tay nải xuống và lắc lắc trước mặt Lâm Viễn Thu. Lâm Viễn Thu đưa tay sờ thử, cảm giác mềm mềm, “Là đồ ăn ngon phải không ạ?”

“Đúng rồi, đúng rồi, chính là đồ ăn ngon đấy! Ha ha, con trai cha thật thông minh! Đây là bánh màn thầu, toàn làm bằng bột mì trắng, có nhiều lắm, lát nữa cha sẽ hấp cho con ăn!” Lâm Tam Trụ nói rồi chợt nghĩ, phải giấu bớt vài cái trước, nếu không lát nữa đến tay mẹ rồi thì khó mà lấy lại được.

Nghĩ vậy, hắn nhanh chóng ngồi xổm xuống, đặt con trai xuống đất và bắt đầu mở tay nải. Hắn lấy ra ba cái bánh to nhét vào áo của Lâm Viễn Thu: "Cẩu Tử, lát nữa con lén đem mấy cái bánh này giấu vào phòng chúng ta nhé."

Ba cái bánh bao, vừa đủ cho ba anh em Cẩu Tử mỗi người một cái. Được cha giao cho nhiệm vụ, Lâm Viễn Thu gật đầu lia lịa, tự tin sẽ hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Nghe thấy con trai út đã về, bà Ngô lập tức thúc giục con dâu dọn cơm, “Mau mau mau, trời đã tối đen rồi, nếu còn không ăn thì bụng sẽ đói dính vào lưng mất thôi!”

“Mẹ ơi, mẹ xem con mang gì về này!” Lâm Tam Trụ hớn hở bước vào nhà chính rồi mở tay nải ra đặt lên bàn. Dưới ánh đèn dầu, những chiếc màn thầu trắng tinh sáng lấp lánh, khiến mọi người trong phòng đều trố mắt ngạc nhiên, kể cả mấy đứa nhỏ, ánh mắt của chúng cũng đều dán chặt vào đống màn thầu.

Bà Ngô kinh ngạc thốt lên: “Ôi trời, sao lại có nhiều màn thầu thế này, lão tam à, con lấy ở đâu ra vậy?” Chẳng lẽ hôm nay chủ nhân trả tiền công bằng màn thầu? Nhưng màn thầu lớn thế này, ít nhất cũng phải hai văn tiền một cái đi.

Bà Ngô tiến lên đếm đếm, ái chà, một túi này chắc cũng trị giá hai mươi văn tiền chứ chẳng ít, lão tam đã tìm được việc gì mà lại được trả công nhiều đến thế.

Thấy mẹ trông có vẻ sững sờ, Lâm Tam Trụ có chút đắc ý cười nói, “Hôm nay con gặp may, vừa tới trấn đã gặp một gia đình giàu có sinh con trai. Họ vừa tặng tiền vừa phát bánh màn thầu, thật là náo nhiệt.”

Nghe nói màn thầu đều là được cho, bà Ngô không kìm được cầm một cái lên ước lượng, bánh nặng chừng bốn lạng, gia đình này cũng thật hào phóng.

Không chỉ có vậy, lão gia nhà họ Hà còn rải hẳn ba sọt tiền đồng nữa cơ. Lâm Tam Trụ đang định khoe khoang việc mình đã khéo léo nhặt được tiền đồng thế nào, thì bỗng nghe tiếng Phùng thị thảng thốt kêu lên từ phía sau: "Tướng công, áo khoác của chàng sao lại bị rách thế này?"

Rách à? Lâm Tam Trụ vội đưa tay sờ ra sau lưng, quả thật có một lỗ thủng. Có lẽ là do hôm nay khi vác hàng hóa đã bị bao tải cào rách. Lâm Tam Trụ không quá bận tâm, nói: "Không sao đâu, chắc là lúc khiêng bao tải bị rách. Đợi lát nữa vá lại là được."

Gì cơ? Vác bao tải á? Mọi người, từ Lâm Đại Trụ, Lâm Nhị Trụ đến Lưu thị và Chu thị, ai nấy đều tròn mắt ngạc nhiên không thể tin nổi. Không ngờ tam đệ (em út) lại đi vác bao tải thuê! Chuyện này thật ngoài sức tưởng tượng.

Bà Ngô cũng bất ngờ không kém, quay quanh Lâm Tam Trụ nhìn từ đầu đến chân vài lần, hỏi: "Tam à, con đi khiêng bao tải thật à?"

Lâm Tam Trụ nói với giọng đầy tự hào: "Đúng vậy, con phải kiếm tiền để mua sách cho Cẩu Tử mà." Khi nói câu này, Lâm Tam Trụ cảm thấy lưng mình tự nhiên thẳng hơn hẳn.

Phùng thị xót xa vô cùng, nàng sờ sờ chỗ rách trên áo của Lâm Tam Trụ rồi nói: “Tướng công, để ta đi lấy cái áo bông mới cho chàng mặc.”

Khụ khụ khụ, áo bông mới còn đâu ra chứ. Người này thật đúng là cái hay không nói toàn nói cái dở.

Lâm Tam Trụ khẽ ho một tiếng, vội chuyển sang chuyện khác: “Mẹ à, hay là tối nay cả nhà mình ăn hết chỗ màn thầu trắng này đi.”

Ăn bánh màn thầu trắng?

Nghe vậy, Phùng thị lập tức dừng bước, quên ngay chuyện áo bông mới, nghĩ bụng chờ đến sau bữa tối rồi thay cũng chẳng sao.

Sợ bà Ngô không đồng ý, mấy đứa nhỏ, kể cả Lâm Viễn Thu đều xúm lại, đôi mắt sáng rực chờ đợi nhìn bà. Ngay cả mấy đứa lớn hơn một chút như Viễn Phong, Viễn Tùng, Xuân Mai và Xuân Tú cũng nhìn bà bằng ánh mắt khát khao.

Bà Ngô đương nhiên là không đồng ý rồi. Trời ơi, đây là màn thầu làm từ bột mì trắng tinh đấy! Nếu ăn hết trong một lần, thì còn gì để dành cho bữa sau nữa, nghĩ đến liền thấy tiếc.

Bà đang định ngăn lại thì ông Lâm lên tiếng: “Bà nó à, bảo con dâu cả mang bánh đi hấp lại đi, tối nay cả nhà mình ăn màn thầu trắng.” Chu thị nghe vậy lập tức gom hết mấy cái màn thầu trên bàn lại, nhấc tay nải rồi chạy nhanh vào bếp.

“Đại tẩu, để ta nhóm lửa giúp cho!” Lưu thị nhanh chân chạy theo. Thấy vậy, Phùng thị cũng không chần chừ, “Ta cũng đi giúp cho nhanh!” Vừa dứt lời, nàng cũng chạy thẳng vào bếp.

Ba chị em dâu nhanh nhẹn chạy đi, không cho bà Ngô có cơ hội cản lại.

Bà Ngô: “…”

Thấy việc ăn màn thầu đã thành kết quả không thể thay đổi, mấy đứa nhỏ cuối cùng cũng thở phào nhẹ nhõm. Sau đó, chúng hò hét, chạy loanh quanh trong nhà một hồi lâu.

Người đông nên tốc độ làm việc cũng nhanh. Chẳng mấy chốc, Chu thị và mấy người em dâu đã bưng những chiếc màn thầu nóng hổi đặt lên bàn. Có chín cái màn thầu, nhưng cả nhà có tới mười bảy người. Nên bà Ngô cầm dao cắt mỗi cái màn thầu làm đôi, vừa vặn mỗi người được nửa cái.

Riêng cái màn thầu thứ chín, bà Ngô đưa hẳn cho Lâm Tam Trụ: “Lão tam, cái này là dành cho con, hôm nay con vất vả nhất.”

Lâm Tam Trụ lắc đầu, bẻ cái màn thầu ra làm hai, rồi lại bẻ nửa cái thành hai phần nhỏ hơn, lần lượt đặt vào bát của ông Lâm và bà Ngô, “Cha, mẹ, hai người ăn đi!”

Những năm qua, vì lo cho anh em bọn họ, cha mẹ đã phải chịu không ít khổ cực. Khi cắn răng vác những bao tải nặng trên lưng, Lâm Tam Trụ mới thực sự thấm thía sự vất vả của cha mẹ.

Đôi mắt của ông Lâm và bà Ngô lập tức đỏ hoe vì cảm động, cảm thấy con út cuối cùng đã trưởng thành. Bữa cơm chiều hôm ấy, cả nhà ăn uống vui vẻ vô cùng, ai nấy đều cảm thấy không khác gì đang ăn Tết.

Khi nghe nói chỉ cần khiêng hai bao tải lúa là có thể kiếm được một văn tiền, Lâm Đại Trụ và Lâm Nhị Trụ cũng có chút động lòng, định ngày mai ra bến tàu thử xem sao.

Nhưng ông Lâm lập tức xua tay ngăn lại, lão đại mới té bị thương ở eo khi hái Hồng, vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, không thể làm việc nặng nhọc được, giờ mà đi vác bao tải thì làm sao chịu nổi.

Ông vừa xoa xoa tẩu thuốc vừa nói: “Chuyện kiếm tiền thì để năm sau hẵng tính.”

Lâm Tam Trụ đem sách vở và bút mực vừa mua về bày ra cho mọi người cùng xem, đồng thời khoe khoang kể lại chuyện mình giành được 27 đồng tiền mừng hôm nay.

Bà Ngô đứng bên vừa nghe vừa bấm ngón tay nhẩm tính, cố gắng tính toán xem hôm nay con mình đã tiêu bao nhiêu tiền, nhưng tính tới tính lui, sao vẫn không khớp với số tiền đã mua sách vở và bút mực nhỉ? Cho nên, 30 văn còn lại ở đâu ra?

Lúc này, Phùng thị trở về phòng tìm áo bông mới cho chồng, nhưng khi quay về đôi tay lại trống không: “Tướng công, cái áo bông mới của chàng ta không thấy đâu cả.”

Nghe vậy, bà Ngô lập tức hiểu ra, tức giận đứng phắt dậy, nhìn quanh tìm cái gì đó tiện tay. Thằng con phá của này! Dám đem áo khoác mới làm đi bán!

Thế là trong nhà gà bay chó sủa ầm ĩ náo loạn một trận. Cuối cùng, sau khi ăn hai cây chổi từ mẹ, Lâm Tam Trụ vừa xoa mông đau đớn vừa xuýt xoa kêu la, khập khiễng trở về phòng.

Mẹ hắn thật đúng là tàn nhẫn quá mà! Lúc nãy khi ăn màn thầu thì dịu dàng gọi con ngoan, giờ lại nói trở mặt là trở mặt ngay. Ôi trời! Đau chết mất thôi.

Lâm Viễn Thu cảm thấy có chút ngại ngùng. Nếu không vì mua sách cho cậu, cha đã chẳng phải bán chiếc áo bông mới, cũng chẳng bị bà nội đánh như vậy. “Cha, để con xoa bóp cho cha nhé!”

Lâm Viễn Thu xắn tay áo lên cao, vẻ mặt quyết tâm, chuẩn bị xoa bóp giúp cha thư giãn. Lâm Tam Trụ cũng cảm thấy mệt mỏi nên không từ chối, lập tức bò lên giường nằm luôn không muốn động đậy nữa.

Thấy vậy, Xuân Yến và Xuân Thảo cũng xắn tay áo, mỗi đứa ôm lấy một bên chân của cha, định bắt chước ca ca xoa bóp cho cha. Như vậy, cha sẽ mang màn thầu thơm ngon về cho bọn họ ăn mỗi ngày.

Lâm Tam Trụ cởϊ áσ bông bên ngoài liền lộ ra phần cổ bị trầy xước, máu trên đó đã khô lại. Khi tiếp tục xốc lên lớp áo trong, phía sau toàn là những vệt đỏ hằn rõ trên lưng, có thể thấy bao tải đựng lúa nặng đến nhường nào.

Trong lòng Lâm Viễn Thu chợt trào dâng cảm giác xót xa day dứt. Cậu tự nhủ rằng mình nhất định phải quyết tâm cố gắng học tập chăm chỉ, để sau này đền đáp công ơn nuôi dưỡng của cha.

Ngoài ra, cậu nghĩ rằng trước khi thành tài, những món quà nhỏ cũng có thể là cách bày tỏ lòng biết ơn.

Nghĩ vậy, đầu óc nóng lên, Lâm Viễn Thu liền nhanh chóng mở tủ giường, lục lọi giữa một đống quần áo rách rưới và lấy ra một chiếc bình gốm cũ được giấu kỹ.

Rồi trong ánh mắt ngạc nhiên của Lâm Tam Trụ và Phùng thị, cậu lấy ra một quả Hồng đỏ mọng cùng hai cái bánh quả Hồng mềm mại.

"Cha ơi!" Lâm Tam Trụ kêu lên, chẳng màng tới đôi chân trần của mình, ôm lấy chiếc bình gốm rồi chạy như bay về phía nhà chính.

(*) Đồng sinh (童生): là học vị thấp nhất trong hệ thống khoa cử, còn được gọi là học trò, thường chỉ những người mới bắt đầu bước chân vào con đường học hành chính quy, đủ điều kiện dự thi kỳ thi Hương. Những người muốn thi để trở thành đồng sinh phải trải qua kỳ thi gọi là thi khảo khóa (hay thi Hương sơ khảo). Những thí sinh đỗ sẽ được công nhận là đồng sinh, nhưng không có chức tước hay quyền lợi nào đặc biệt.

(*) Tú tài (秀才): là học vị tiếp theo sau đồng sinh, cao hơn đồng sinh nhưng chưa phải là quan chức. Những người đỗ tú tài được xem là người có kiến thức tốt, đã vượt qua kỳ thi sơ cấp nhưng chưa đạt đến mức độ xuất sắc nhất. Để đạt được học vị tú tài, thí sinh phải vượt qua kỳ thi Hương (thi ở cấp địa phương). Người đỗ tú tài sẽ được gọi là "Sinh đồ" (秀才). Tú tài được ưu đãi nhất định trong xã hội phong kiến, chẳng hạn như không phải lao dịch, được kính trọng hơn trong làng xã, có thể mở trường dạy học. Tuy nhiên, họ vẫn chưa được vào làm quan, và thường phải thi thêm để đạt học vị cao hơn.

(*) Cử nhân (举人): là học vị cao hơn tú tài, là người đỗ cao trong kỳ thi Hương và có cơ hội được làm quan. Sau khi đỗ tú tài, người học có thể thi lên cử nhân bằng cách tham dự kỳ thi Hương ở cấp tỉnh. Kỳ thi này khó hơn rất nhiều và chỉ một số ít thí sinh đỗ đạt. Cử nhân được coi trọng hơn nhiều so với tú tài. Đỗ cử nhân đồng nghĩa với việc được triều đình công nhận và trao cơ hội làm quan, hoặc tiếp tục thi lên tiến sĩ để có thể đạt những vị trí cao hơn trong hệ thống quan lại.

(*) "Rồng sinh rồng, phượng sinh phượng": Thành ngữ ý nói cha mẹ giỏi giang thì sinh con tài năng, còn ngược lại thì khó mong con có thể vượt trội.