Cuộc Sống Điền Viên Của Cậu Nông Dân Trồng Hoa

Chương 25: Đâm Sau Lưng

Sao hình ảnh này trông quen thuộc thế nhỉ?

Chu Toàn chống cằm nghĩ, thiếu chút nữa liền thuận theo cảm giác mà toát ra một câu: “Nếu không có tiền có thể dùng Hỉ Nhi gán nợ…”

Chu Toàn lắc đầu thật mạnh, lắc bay hình ảnh của Hoàng Thế Nhân trong đầu mình ra ngoài. Cậu dùng giọng điệu hiền lành nhất có thể nói với hai đứa nhỏ hiện ra từ cây kia: “Nếu đã ra thì nói rõ luôn đi, rốt cuộc hai đứa là thứ gì? Vì sao cây cối bị hai đứa kí sinh sẽ phát sáng? Hay là cây cối phát sáng nên hai đứa mới xuất hiện?”

Giọng con nít được che sau lưng vươn bàn tay nhỏ xíu, nhẹ nhàng kéo áo dài xanh vài cái. Sau đó nhóc kéo áo người ta, rúc sau lưng văn trúc nói: “Em chính là chậu lan điếu kia của chủ nhân mà, là ngài mang em từ thủ đô mang về đó. Vì sao biến thành thế này thì em cũng không biết, trước khi gặp chủ nhân thì em chỉ biết phát sáng thôi, không có bộ dáng này.”

Áo dài xanh bị kéo áo nghiêng người, nhẹ nhàng xoa đầu nhóc lan điếu. Sau đó nhóc quay lại, hai tay giao nhau trước ngực, tay phải nắm lại để phía dưới, tay trái duỗi thẳng để lên trên, hơi cúi người xuống rồi cực kì lễ phép hành lễ với Chu Toàn.

Áo dài xanh vừa hành lễ vừa nói: “Tại hạ là chậu văn trúc được chủ gia mua về kia. Trước khi được chủ gia mang về cũng chỉ biết phát ra ánh sáng, không có bộ dáng này. Hơn nữa trước khi gặp A Lan, tại hạ cũng không thể giao lưu với chủ gia như hôm nay, mấy ngày vừa qua đa tạ chủ gia và A Lan chăm sóc.”

Lan điếu giọng con nít trốn sau lưng người ta, nghe một lúc thì trên mặt hiện lên màu hồng phấn nhàn nhạt, kết hợp với khuôn mặt tròn tròn của nhóc thì trông giống hệt một quả táo nhỏ, xinh đẹp hấp dẫn khiến người ta muốn cắn một miếng!

Chu Toàn nhìn nhóc này rồi lại nhìn nhóc kia, cảm giác không khí giữa hai nhóc này cực kì hòa hợp, giống như cậu mới là kẻ chướng mắt thừa ra vậy.

Nhìn bộ dáng nho nhã lễ độ của văn trúc áo dài xanh, Chu Toàn cũng học đối phương chắp tay, nhưng chuyện gì nên hỏi thì cậu vẫn nhất định phải hỏi.

“Hai đứa đều nói là được anh mua về rồi mới xuất hiện bộ dáng này, vậy chỗ hai đứa sống lúc trước còn cái cây nào sẽ phát sáng như hai đứa nữa không?”

Lan điếu mặt tròn lắc đầu, văn trúc áo dài xanh thì trả lời thẳng: “Không có, A Lan là cây duy nhất có thể phát sáng mà ta từng thấy.”

“Thế hai đứa có phát hiện mình có chỗ nào khác với các cây khác không?”

Văn trúc nghe vậy cúi đầu trầm tư, lan điếu thì lắc lư cái đầu nhỏ: “Tham ăn giống chủ nhân có tính không? Em thích chủ nhân bón phân tưới nước cho em lắm.”

“... Cái này không tính, em nghĩ lại xem còn thứ gì khác không?”

“Ò, vậy hẳn là không có.”

“Tại hạ cũng thật sự không nghĩ ra.”

“Chủ nhân, ngài sờ em một chút được không? Tay ngài ấm áp thoải mái lắm, ngoài lá ra thì sờ cả rễ nữa được không, rễ cây cũng muốn được sờ.”

Chu Toàn nhìn rễ cây chôn dưới đất của lan điếu, nghĩ thầm không có việc gì thì tui sờ nó làm cái gì?

Ài, sao cảm giác đề tài càng ngày càng lệch, khí thế cũng càng ngày càng yếu thế nhỉ? Loại khí phách gọi hai đứa ra nói chuyện trực tiếp lúc nãy đi đâu rồi?

Nếu Bảo đầu bếp ở đây thì nhất định sẽ nghiêm túc nói cho trúc mã nhà mình biết, mèo có hung dữ nữa thì vẫn cứ là mèo, vĩnh viễn không biến thành hổ được…

Tình huống của lan điếu và văn trúc không thể nào giải thích từ góc độ khoa học được. Hơn nữa từ những gì cậu vừa hỏi và hiểu biết thì Chu Toàn phát hiện, chỉ có mình nhìn thấy chúng phát sáng và nói chuyện với chúng, trong mắt những người khác thì chúng cũng chỉ là hai chậu cây cảnh cực kì bình thường mà thôi.

Tuy như vậy càng kì lạ, nhưng ít nhất sẽ không gặp phải phiền toái gì khác.

Lúc Chu Toàn đang nghiêm túc cùng các bạn cây-kun moe moe tham thảo chúng xuất hiện như thế nào thì trong nhà của ông cụ Bảo, cũng có một người đang nói chuyện một cách cực kì nghiêm túc.

Ông cụ Bảo dựa vào gối đầu hút tẩu nhìn đứa con trai cả của mình, ông cụ gõ nõ thuốc vào thành giường đất hỏi: “Không lễ không tết mà vẫn thấy anh về, chuyện hiếm đấy.”

Bảo Vi Quốc đã gần 60 tuổi, đã làm ông nội, tóc cũng trắng một nửa nghe vậy thì xấu hổ cười vài tiếng rồi trả lời: “Xem ba nói kìa, con bận chuyện công việc mà, lại nói mấy ngày hôm trước A Quỳnh mới có thêm một đứa, vợ nó với nhà vợ đều bận chăm đứa nhỏ nên con phải giúp chăm đứa lớn.”

“Tôi biết lúc nào anh cũng bận, thế hôm nay anh bận thế mà còn phải tranh thủ thời gian trở về một chuyến là vì cái gì?”

Bảo Vi Quốc đến bên cạnh ông cụ Bảo: “Ba, con nghe nói thằng bé Bảo Cánh đã về rồi đúng không?”

“Ừ, về rồi.”

“Thế, con còn nghe nói nó thuê người tu sửa lại nhà tổ, nói là xây xong sẽ mở homestay gì đó có phải hay không?”

Ông cụ Bảo hút một hơi thuốc rồi nhả khói liên túc: “Anh hỏi thăm chuyện này làm gì? A Cánh nó muốn làm gì thì liên quan gì đến anh?”

“Sao lại không có liên quan, nói thế nào thì tòa nhà kia cũng là nhà tổ của dòng họ chúng ta, là thứ mà tổ tiên để lại. Ba, ba là người có vai vế lớn nhất trong thôn, nếu tòa nhà ấy có chỗ tốt gì thì ba cũng phải có một phần chứ!”

“Chỗ tốt? Chỗ tốt gì? Cái nhà rách đến gỗ cũng sắp mủn ra rồi, anh muốn tôi vào đấy hứng mưa à?”

“Ấy, không thể nói như vậy được, tòa nhà kia là đồ cổ đấy, có khi một viên gạch một mảnh ngói đều đáng giá một đống tiền cũng nên. Ba không thấy tin tức mấy ngày trước à, có một nhà phá nhà cũ đi, gỗ bên trong đều là gỗ nam tơ vàng cả, giá trị vài trăm triệu đấy, phát tài luôn!!!”

“Ban ngày ban mặt đừng có nằm mơ, tổ tiên người ta làm gì, tổ tiên của anh lại là làm gì? Chúng ta là người trong Bát Kỳ thật đấy, nhưng người ở kỳ nhiều như kiến, có cái gì lạ? Còn gỗ nam tơ vàng cơ? Tôi thấy anh là quả bí đỏ tơ vàng thì có.”

“Thì… thì cho dù không có tơ vàng gỗ nam, nhưng lúc xây nhà có khắc đá, khắc gỗ gì đó cũng thực đáng giá đúng không? Chuyện tốt như vậy không thể để cho người khác chiếm hết được, chúng ta cũng họ Bảo, nhà chúng ta cũng là dòng chính.”

“À, thảo nào hơn nửa năm không thấy mặt, sao tự dưng hôm nay mày lại về, hóa ra là chồn chúc tết gà, nhắm vào cái này. Ranh con, tao nói cho mày biết, lúc trước tao với bác cả ra riêng đã nói rất rõ ràng, bác ấy cho tao suất tham gia quân ngũ, tao để gia sản lại cho bác. Sau này tao xuất ngũ, lúc chuyển nghề trở về thì ở lại trong huyện ôm bát sắt, ông bà nội mày ở quê đều là bác cả mày chăm sóc, đau ốm tang ma cũng đều là bác cả vun vén, tao chỉ là khi nào rảnh thì về một chốc một nhát mà thôi. Lúc ông bà mày đi đã nói, ai hầu hạ thì của cải để lại cho người ấy, cứ theo lời này của các cụ thì đồ trong nhà đều là của bác cả mày hết. Ngay cả cái nhà ngói mà cha mày đang sống đây này, chờ tao đi rồi, Bảo Cánh nó có muốn lấy lại thì chúng mày cũng được ý kiến ý cò.”

“Dựa vào cái gì! Nhà này là ba xây lên cơ mà!”

“Dựa vào cái gì ấy hả? Dựa vào mảnh đất này là của bác cả! Bác ấy thương thằng em, già rồi còn phải nhường nhà cho con cháu nên mới cho em trai, em dâu đã gần 70 tuổi một miếng đất xây nhà. TᏂασ mẹ nó, sao tao lại nuôi ra cái thứ như mày cơ chứ?”

“Ba, ba xem ba lại nhắc chuyện đó nữa rồi, lúc đó con cũng hết cách mà. A Quỳnh kết hôn, nhưng nhà gái không có nhà thì chết sống không chịu, ba cũng không thể nhìn cháu nội mình không vợ không con có phải hay không?”

“Tao nhổ vào, nếu không phải lo cho cục thịt trong bụng con bé kia thì tao không quan tâm nó có vợ hay không. Ông đây cực khổ nuôi lớn chúng mày là hoàn thành nhiệm vụ rồ, cái khác tự đi mà nghĩ cách.”

“Ba, con…”

“Đừng có nói chuyện chó má với tao, hôm nay tao nói cho mày rõ, lúc trước nhà tổ là của bác cả mày, tương lai là của Bảo Cánh, không có một tí quan hệ nào với tao và mày hết, đừng có giở quẻ.”

“Ba, thế không công bằng, hơn nữa cũng không hợp pháp. Con hỏi thăm rồi, trên giấy chứng nhận bất động sản nhà tổ vẫn ghi tên bác cả, theo luật thừa kế thì ba cũng có quyền thừa kế, đây là quyền lợi mà pháp luật giao cho ba đấy.”

“Cút mẹ mày đi, lúc bác cả đi nam đinh nhà họ Bảo, thôn trưởng và kế toán đại đội đều có mặt cả. Bác ấy nói rất rõ ràng, nhà để lại cho Bảo Cánh, mọi người đều nghe thấy được, toàn thôn đều là nhân chứng, mày đừng có ở đây lải nhải dài dòng với tao.”

“Đó chính là nói miệng, có chứng cứ không? Không có thì chúng ta vẫn có cơ hội.”

Ông cụ Bảo nghe thế thì không nhịn được nữa, lửa giận quay cuồng trong ngực, ông cụ nện cái tẩu thuốc trên tay về phía con trai mình.

“Tao đánh chết mày, thằng không lương tâm! Lúc trước bác cả đối tốt với mày thế nào, nếu không phải bác ấy móc ruột moi gan dạy mày thì mày có được công việc chính thức trong nhà ăn chính phủ huyện không? Bây giờ mày không giúp cháu bác ấy mà còn thèm thuồng chút đồ bác ấy để lại cho thằng bé, mày có tim không? Móc ra tao xem có phải là màu đen hay không?”

Không ngờ ông cụ đánh thẳng không thương xót, Bảo Vi Quốc vừa chật vật tránh né tẩu thuốc trên tay ông cụ vừa cãi bướng: “Ba, sao ba bất công thế? Con mới là con ba, A Quỳnh mới là trưởng tôn nhà chúng ta, thằng Bảo Cánh chỉ là hương khói do một đứa ở rể kéo dài mà thôi, có tư cách gì mà độc chiếm sản nghiệp tổ tiên?”

“Mày còn dám nói à? Tao sinh ba đứa con trai, sao nhà mày lại độc chiếm căn nhà trên thành phố của tao? Mấy năm nay hai đứa em mày có nói chuyện nhà cửa với mày bao giờ chưa? Em mày không có con hay là không có vợ? Sao không thò tay đòi tao cái gì bao giờ?”

“Ba, con thằng hai còn nhỏ, nhà thằng út lại chỉ có một con vịt giời, đòi làm cái gì? Cho nhà người khác à? A Quỳnh mới là cháu đích tôn của ba, là nhà gốc rễ của nhà chúng ta.”

“Thằng chó đẻ, cha mày làm công tác cách mạng cả đời, con trai con gái như nhau hết. Tao chỉ biết làm người phải có lương tâm, bằng không cả đời đều sẽ bị khinh thường. Nếu hôm nay mày về chỉ để nói chuyện nhà tổ thôi thì cút ngay, tao không rảnh nghe mày nói nhảm.”

“Ba…”

“Mày có đi hay không? Không đi có tin tao lấy roi ngựa đánh mày không?”

Bảo Vi Quốc biết rõ ông cụ nóng tính cỡ nào, thấy cha mình đã chuẩn bị đi lấy roi ngựa, ông ta không muốn bị đánh nên đành phải không tình nguyện nói: "Được được, con đi con đi. Nhưng là ba, chuyện con vừa nói ba cứ nghĩ lại đi, con cũng không muốn tranh cái gì với A Cánh cả, nhưng thứ mình nên có cũng không thể cho nó chiếm hết được, chia ra một ít cũng đâu có sai.”

Ông cụ Bảo nghe vậy lập tức nhảy xuống giường sưởi, đến tủ đứng chỗ góc tường lục roi ngựa.

Bảo Vi Quốc thấy thế lập tức guồng chân phóng ra ngoài cửa.

Ông cụ Bảo giận quá, không tìm thấy roi ngựa nên nhặt một chiếc giày bông trên đất lên ném ông ta. Bảo Vi Quốc trốn rất nhanh, không bị giày bông ném trúng.

Ông cụ Bảo giận dữ đi chân đất trong phòng vài vòng, đến lúc hơi bình tĩnh lại một chút thì ông cụ gọi với sang phòng đối diện: “Bảo Viêm, ra nhà tổ gọi anh Bảo Cánh qua đây, cứ bảo là ông có việc tìm nó.”